Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Tương tư


Có một mùa rất xa
Anh âm thầm nhớ mãi
Phút ban đầu vụng dại
Trao gửi lời yêu thương.

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Mưa giăng lối cũ


Chiều nay lạnh anh về đây lối cũ
Nghe tim mình ấp ủ bóng hình em
Con đường nhỏ đã mấy mùa thân quen
Giờ thay lá bỏ tình anh ở lại.

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Mang nợ cuộc đời



NỢ

Nợ tuổi thơ cánh diều
Chiều tung tăng ngọn cỏ
Nợ đường quê nho nhỏ
Đếm bước ta đến trường.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Thương lắm, khói chiều ơi!

Chiều cuối đông, trên chiếc xe máy cà tành chạy gần cả trăm cây số từ thị thành về quê, chợt thoang thoảng mùi rơm rạ sau mùa gặt, và những ngọn khói chiều vương vãi chốn đồng quê. Dừng xe giữa ruộng đồng mênh mông, tôi tranh thủ hít hà thứ hương vị đã gắn bó suốt thời tuổi thơ của mình. Và như cố níu giữ những làn khói ấy lâu hơn, tận hưởng nhiều hơn chút man mác của mùi khói cay nồng… bỗng sợ mùi khói chiều tan biến đi nhanh chóng giữa dòng thời gian cuộn chảy.

Minh họa: Trà My
Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo, cả thời tuổi thơ tôi gắn bó với rơm rạ, với bếp củi, với những làn khói mỏng manh trong những sáng se lạnh, những trưa ấm áp, những chiều ngả bóng hoàng hôn. Nơi làng quê, những đứa trẻ chúng tôi quá quen thuộc và gần gũi với khói bếp ban chiều. Vào khoảng 5 đến 6 giờ chiều, khi những ngọi khói cuồn cuộn như làn mây bay lên trên chái bếp là chắc rằng nhà ai đó đang bắt đầu chuẩn bị bữa cơm chiều. Và thế, cứ mỗi chiều tan trường đi về trên con đường làng còn đầy những vũng sình sau cơn mưa vội vã, lũ trẻ chúng tôi như được thấm dần mùi khói quá đỗi thân quen… Nhanh hơn mỗi bước chân, muốn về nhà thật nhanh xem má nấu cơm chưa, để được vào bếp, được lùi củ khoai lang cất giấu sau đống củi khô.

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Với chiều…

Lòng se sắt
hứng chiều đông
chếch qua hơi thở
nhớ mong một người.

Phong phanh con gió
trêu ngươi
nông sâu ngày cũ
chín mười… còn đâu.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Khu vườn của ngoại

Dịp cuối tuần, tôi rảnh rang công việc, tranh thủ về quê thăm ngoại. Vừa đến đầu ngõ, đã nghe mùi mít chín thơm ngào ngạt, bỏ bô la, chạy ra sau vườn, thấy ngoại đang cười tươi với tí em bên quả mít to đùng. Nhìn xung quanh, khu vườn vẫn như xưa nhưng ngoại giờ đã khác, giọng nói trầm hơn, gương mặt đã thêm nhiều nếp nhăn…
Tôi không nhớ từ khi nào, khu vườn này đã gắn bó với tuổi thơ tôi mỗi lần về quê ngoại. Hồi còn nhỏ, má thường dẫn tôi về nhà ngoại và được ngoại dẫn ra vườn chơi, còn ngoại thì lom khom xách nước tưới rau. Vườn thì nhỏ nhưng ngoại trồng rất nhiều rau, nào là rau răm, râu húng, bồ ngót, thìa là… còn có cả mấy luống hành và phía bên cạnh là giàn khổ qua xanh mướt. Tuổi nhỏ nên tôi có biết gì đâu và thường nghịch ngợm lấy tay nhổ rau chỗ này cắm vào chỗ nọ. Những lần như thế, tôi bị ngoại la, có khi còn bị ăn đòn và khóc nức nở, chạy vào nhà mách má.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Lục bát về Cha


Dễ đâu sót lại nụ cười
Hằng đêm Cha thức với trời mưa dông
Trũng sâu nước lớn nước ròng
Ghìm ghe buông lưới ngược dòng sông trôi.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Ơn nghĩa sinh thành


Ngày Mẹ sinh con mái nhà tranh dột nát
Ngọn đèn dầu leo lét phựt trong đêm
Tiếng côn trùng nức nở bên thềm
Mưa dầm dề, từng cơn gió lạnh
Cha lặng thầm che chắn lại mái hiên
Sưởi ấm đêm đầu tiên con ê a tiếng khóc.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Vết chân tròn trên cát

Cứ hàng năm vào ngày 27/7 thế hệ của mỗi con người chúng ta hôm nay lại thắp lên nén nhang thành kính tưởng niệm đến những anh hùng, những liệt sĩ, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh tàn khóc năm xưa, để đổi lấy hòa bình, đổi lấy tự do cho chúng ta hôm nay. Trong những phút giây lặng thinh tưởng nhớ đến cha ông, trong lòng mỗi người con đất Việt đều thầm cảm ơn và kính phục những lớp người đi trước. Những lớp cha ông đã không tiếc máu xương để chiến đấu với kẻ thù, giành lấy tự do cho nước nhà và đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh ấy cao cả đến nhường nào và trong mỗi thế hệ hôm nay đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ ấy.
Sinh ra trong thời bình, tôi cũng như bao con người khác được hưởng sự tự do mà các thế hệ cha ông đi trước đã chiến đấu với kẻ thù xâm lược để giành lấy. Hàng năm, vào ngày này tôi lại có dịp đến nơi các anh yên nghỉ để thắp nén nhang thành kính tưởng niệm các anh. Và chiều nay cũng vậy, nhìn vào bóng chiều bên nghĩa trang, nơi các anh đang an ngàn giấc thu, tôi lặng nhìn dấu chân mình trên những luống cỏ xanh ven mộ, lại nghĩ về các anh với “Vết chân tròn trên cát” xưa kia đã anh dũng chiến đấu để bao thế hệ hôm nay được sống trong đong đầy hạnh phúc.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Mưa đêm ngày ấy… bây giờ!

Mấy chiều liên tiếp Quy Nhơn lại đổ mưa. Chiều nay cũng vậy, bất chợt mưa và lẩy bẩy những hạt rơi tí tách. Bên ly cà phê, ngồi nhìn giọt mưa rơi. Bốn con người vừa gần vừa xa và trong câu nói đùa lại ngờ ngợ lên những sự thật, để cảm xúc dâng tràn. Mưa kéo sang đêm và trên con đường về từng dòng ký ức quanh quẩn đâu đây.
Cũng mưa và cũng đêm những đêm mưa của ngày xưa khác hẳn đêm mưa bây giờ. Tôi tiễn em đi trên con đường giăng đầy mưa và mỗi lúc càng nặng hạt nhưng lòng lại nhẹ thênh. Mang trong mình cảm giác vui sướng và luôn thổn thức thời gian xin đừng trôi để mãi như thế. Em lên xe, mưa như trút đổ, vẫy tay chào và hẹn ngày em trở lại. Tôi ra về, mưa ướt nhòe cả người nhưng cơn mưa ấy như dâng trong lòng một nhạc khúc vô biên, không có tiếng nức nở mà như điệu nhạc trong trẻo đang vỗ vào lòng tôi. Ngày ấy, tôi hạnh phúc đến nhường nào.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Giấc mơ tôi

                                                                            Trong giấc mơ tôi
cánh đồng thơm mùi lúa mới
cọng rơm vàng nằm ngủ bờ đê
mải mê dòng nước mát
con trâu sấp ngửa ao làng
chiều vàng sợi nắng
mẹ tôi giê hạt… chắc lép đầy vơi.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Phượng cuối mùa


Ngày xưa nay đã xa rồi
Rưng rưng xác phượng bồi hồi khói sương
Tiếng ve khắc khoải sân trường
Người trò năm cũ vấn vương tìm về.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Cây đàn bỏ quên

Một mình yên tĩnh trong căn gác trọ phía cuối con đường, trong đêm vắng lặng, chợt hiện về trong tôi ký ức của ngày xưa cũ. Bên cây đàn, tôi lại nhớ về em, nhớ về những kỷ niệm của một thời nơi giảng đường đại học. Khắc khoải trong lòng một điều gì đó, tôi cầm đàn trên tay, và đánh như một gã khờ, không biết đâu là nốt nhạc mình đang cần. Dừng lại ở những phút suy nghĩ, tôi bật nhạc, mở bài hát “Cây đàn bỏ quên” của nhạc sĩ Phạm Duy và trong tôi bao cung bậc tình yêu giữa tôi và em còn hiện nguyên trong từng ca từ của bài hát.
Tôi được bạn bè gọi là gã lãng du và hay mơ mộng. Và chút mơ mộng trong tôi đã bị hút hồn từ khi gặp em. Lần đầu tiên gặp em trong một duyên tình cờ, trong một chiều nhạt nắng, dưới bóng hoàng hôn vắng lặng, nụ cười và ánh mắt em đã làm trái tim tôi rung động và từ đó không phút giây nào tôi không nghĩ về em. Cái rung động, cái nhớ nhung ấy đã thôi thúc tôi tìm và gặp em trong những ngày sau đó. Và những chiều, tôi và em trên con đường chiều có gió thu bay, có nắng chiều dìu dịu đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai trong tôi. Hay mơ mộng nên tôi thường ôm đàn hát vu vơ một mình, và từ khi biết em, tôi không còn cô đơn với cây đàn nữa, mà ở đó có em, có tôi và cây đàn với những khúc nhạc dịu êm, tôi đánh đàn còn em vờ làm ca sĩ hát những bài hát tôi rất thích.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Văng vẳng tình xưa


Tình xưa đã hóa phù vân
Câu thơ ngày cũ đôi lần đánh rơi
Nghĩa tình hụt hẫng à ơi
Thoảng nghe trong tiếng tơ trời… chiêm bao.

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Cõi tình thiên thu

Đôi bạn: Đình Phùng - Đào Thị Thanh Thủy 

-Cảm tác từ “Cõi tình” của Vi Ánh Ngọc- 

Mốc meo cái nhánh thiên đàng
Giờ thì em đã nách mang - quê mùa
Khi xưa sao chẳng dám… bừa
Cho tình xanh mướt cơn mưa đầu dòng.

Cõi tình


Hôm xưa bẻ nhánh “quê mùa”
Anh đem dâng tặng nàng chưa bằng lòng
Từ ngày ấy những đêm ròng
Vườn trăng rơi rụng dòng sông lụy tàn.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Ký ức chiều sân ga


Hôm ấy, vừa tan giảng đường, tôi liền vội về phòng trọ ăn cơm nhanh để tranh thủ thời gian chở cô ấy lên ga Diêu Trì. Nghe cô ấy nói 12 giờ xe chạy nên 11 giờ 30 phút chúng tôi bắt đầu ở Quy Nhơn chạy xe máy lên Diêu Trì. Lên đến nơi, vừa mua vé xong, chợt nghe nhà ga thông báo chuyến tàu… (tôi không nhớ rõ tàu gì nữa, chỉ biết từ ga Diêu Trì đi vào Nam và có ghé ga Nha Trang) chuyển thời gian chạy lúc 12 giờ sang 15 giờ. Nghe vậy, cô ấy thấy nằng nặng trong lòng, bây giờ phải đợi 3 tiếng đồng hồ nữa. Ngồi ở đây đợi, chán phèo.
Nói thì nói vậy, chứ biết làm sao, tôi cũng ngồi đợi với cô ấy. 3 tiếng trong tôi lúc ấy vừa chậm vừa nhanh, trong đầu luôn tồn tại nhanh và chậm, nhưng rồi đến lúc tàu cũng đến ga và chuẩn bị xuôi về Nam. Tiễn cô ấy ra sân ga, đưa hành lý lên chỗ cô ấy ngồi, rồi ngồi tâm sự thêm xíu nữa. Khi tàu sắp rời ga, tôi xuống tàu và vẫy tay chào, cô ấy cũng vẫy tay chào lại. Bóng tàu xa khuất, tôi bắt đầu về lại Quy Nhơn, nhưng hỡi ôi, trời bỗng trút cơn mưa vội nên đành trú mưa dưới chiều bên sân ga.

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Rồi thì mỗi đứa một nơi


Bốn năm học Sư phạm Ngữ văn K32, mình cũng có một gia đình, nó rất teen như vẫn thường gọi. Thế rồi thời gian cũng phai dần, mình không còn cái gia đình ấy nữa. Dù vậy, mỗi lần nhắc đến teen vẫn nhớ về nó. Cái tên này mình đặt mà, có thơ hẳn hoi. Không chơi chung trong gia đình teen nhưng một vài thành viên mình vẫn chơi bình thường.  Chia tay ngày cuối ở thành phố này, mình có dịp cùng teen karaoke một bữa lún tới bến, có điều không hội tụ đủ các thành viên (thiếu vợ mình và em vợ mình, đó là cách gọi của gia đình teen). Giờ gia đình ấy mỗi người một nơi, mỗi người sẽ có những dự định cho riêng mình. Hy vọng rằng tất cả sẽ thành công trên con đường mà mình đã lựa chọn.
Cô bạn thân nhất trong lớp, giờ này cũng khăn gói về cao nguyên đại ngàn rồi. Ghét ghê. Mình thường gọi ấy là mủm mỉm, đôi khi gọi là Lu, he he (trích ngang bút danh của ấy). Kỷ niệm với ấy tràn đầy. Những buổi chiều cùng ấy đi ăn hàng (ăn hàng đúng nghĩa ấy nhé), nào ăn bánh cuốn, nem, chả… rồi vi vu lòng vòng khắp phố, nghĩ lại vui thật. Cà phê là món khoái khẩu của tụi mình, hình như ngày nào mình với ấy cũng hí hú đi cà phê. Quán quen vẫn là Tiếng thời gian và một số quán mơi mới lâu lâu mới xuất hiện một vài lần. Bây giờ ấy về rồi, cà phê uống một mình, cảm giác nhạt nhẽo thật. Mình ghét cái mặt ấy ghê quá.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Mưa vàng… cùng sĩ tử

Tổ đình Long Khánh chuẩn bị cơm chay cho sĩ tử

Chiều nay (08/07/2013), trời đổ cơn mưa vàng, làm dịu đi cái oi bức của những ngày đầu tháng 7. Ngày mai, các sĩ tử bước vào đợt thi thứ 2, hôm nay mưa trút xuống gội rửa đi những gì còn sót lại của ngày để bắt đầu ngày mới dịu mát, trong lành.
Mưa chưa đầy một tiếng đồng hồ, nhưng có lẽ đây là cơn mưa vàng về với phố biển Quy Nhơn. Ngày mai, các sĩ tử sẽ thoái mái trong khí trời không nóng bức mà điều hòa dịu mát để dùng hết “bút lực” làm bài và đạt được kết quả cao nhất. Nghĩ đến sĩ tử, mình lại nhớ về mình cách đây 4 năm về trước, giờ này khi ấy, mình còn đang trên chiếc xe máy chạy từ quê vào Tuy Phước (mình đi thi một lần rồi nên biết ngày 9 cũng có thể làm thủ tục dự thi nên tranh thủ ở nhà ôn bài, chiều ngày 8 mới bắt đầu “lai kinh ứng thí”).

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Hội ngộ rồi chia ly

Từ trái qua phải: Mình, Du, Bảo, Dương, Khương

Chiều, nghe tiếng chuông điện thoại reo, bắt máy lên thấy số bạn Khương gọi. Không phải hẹn hò (vì hắn là nam mà), cũng chẳng bù khú cà phê, mà đón hắn chiều nay ghé Quy Nhơn chơi. Nghe nói vậy, mình mừng rơn lên, nghĩ thầm lâu mới gặp lại bạn cũ, chắc vui lắm đây, để gọi thêm tay Bảo nữa rồi tối vi vu Quy Nhơn. Nào ngờ đâu, cả buổi chiều mình lại bận công việc (công việc này không thể không làm). Khương gọi mấy lần mình đều hẹn chờ thêm xíu nữa, rồi chờ thêm xíu nữa… rồi Khương lại chờ. Tội bạn ghê hông, hức hức.

Xong công việc, mình chạy một mạch ra đường Xuân Diệu, tìm đến quán lai rai mà “đám” A7 đang “ngầu”. Hi hi, toàn bạn xưa, nào Du, đã Du rồi còn Dương nữa chứ, Dương chưa hết phải Khương lên mới đã. Hơi muộn một xíu và một câu xin lỗi cũng chưa muộn. Không còn gì tiếc nuối ở quán nhậu, cả đám kéo đi đi bida. Nghe tay Khương và tay Du nói ghê lắm, tưởng đánh hay lắm đây. Nào ngờ, cũng tềnh tềnh giống mình vậy (mặc dù mình không đánh nhưng mình dám chắc cũng như mình là cùng). Đi kèm có em trai họ hàng với Du, 5 thằng nên mình ngồi xem không đánh. Du với em trai một phe, Dương và Khương một phe. Mấy thằng cha này đánh “hết chê” luôn. Mỗi thằng đi gần chục cơ mà điểm mỗi bên chỉ lèo phèo con số 10 tròn trịa (tính đúng hơn mỗi bên đi gần 20 chục cơ mà mới chỉ 10 điểm, ngẫm ra cứ một cơ trật tất tần tật thì bù lại một cơ được một điểm), nói điều này lỡ mấy cha có đọc thì đứng chém nhé, he he. May quá, cuối cùng đến 21h30 cũng xong, lạy hồn phe anh Du nhà mình cán đích đầu tiên, mừng rơn cả người.