Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca

Khi những bộn bề của cuộc sống vẫn còn đang diễn ra, khi tất cả mọi người đang nô nức những công việc cuối cùng để đón chào một mùa xuân mới thì vẫn còn đó một buổi chiều cuối năm, một người con xa quê vừa trở về quê nhà ngồi ngẫm lại mình sau những dặm dài trên hành trình của cuộc sống mưu sinh. Nghe nôn nao trong lòng khi khúc giao mùa sắp đến, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sắp bắt đầu, phút giao thừa sẽ nở rộ những cánh hoa trong đêm ba mươi như một ước hẹn muôn đời của thời gian.
Một mình trong chiều yên tĩnh, người con ấy đang thả lòng mình trên quê Cha đất Mẹ để tận hưởng thứ hương vị ngọt ngào của mùa xuân xứ Nẫu. Xứ Nẫu mơ mơ màng màng và đọng lại thứ tình cảm vô biên trong anh. Anh nghe mặn mòi tình đất Mẹ. Anh đang hướng lòng mình vào ca khúc “Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca” để thay lời nói hộ lòng mình như một lời tâm tình của người con xứ Nẫu. Những ca từ ấy cứ dạt dào trong anh, đọng lại trong chiều và nồi bánh chưng mẹ nấu lan tỏa khắp quê nhà.
“Nghe nôn nao như chiều ba mươi tết
Bếp than hồng mẹ nấu bánh chưng xanh”
Lòng nôn nao theo từng giai điệu của bài hát, anh cảm giác mùa xuân về từ bao giờ và hiện tại xuân đang tưng bừng mở hội. Âm hưởng ngọt ngào ấy đến từ nồi bánh chưng mẹ nấu, nó đậm đà bản sắc dân tộc, neo lại trong anh một chút gì đó ấm áp từ quê nhà. Và những ca từ ấy như khuấy động mùa xuân trở mình thay áo mới và nghe một khúc dân ca trong chiều hoàng hôn bảng lảng với những tiếng khua rộn rã của chiều. Anh vẫn đang lắng nghe và nhập tâm vào từng giai điệu của bài hát, giọng hát khàn khàn nhưng ấm nồng của Đàm Vĩnh Hưng dường như là chất thôi miên cuốn hút anh. Thanh âm trầm bổng hòa vào tiếng mùa đi làm chiều xuân thêm ý vị để lặng lòng lắng nghe.
“Hát mãi cho nhau bài hát dân ca
Câu dân ca mang tình xuân bao la
Câu dân ca cho mùa xuân nở hoa
Cho xuân về từ khúc hát dân ca”
Câu dân ca ấy vọng lời mùa xuân đang lan tỏa ra không gian và thời gian rộng lớn xung quanh anh. Chiều trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết và có lẽ câu dân ca ấy cũng chính là điều góp phần làm cho mùa xuân thêm đẹp. Anh đang thả hồn vào chiều quê, vào những cung bậc của mùa xuân, vào câu dân ca mà nhạc sĩ Võ Đông Điền đang đưa anh thẩm thấu mùa xuân mang những nét đẹp của riêng mình. Cũng chính vì vậy mà quanh anh giờ đây đàn trẻ thơ đang tung tăng khoe áo mới, hân hoan đón mừng tuổi mới. Sắc xuân đang độ dâng trào bởi lẽ cánh xuân hồng hoa thắm đã nở tự bao giờ. Miền quê đang đón chào xuân mới, khúc dân ca trong chiều vẫn tha thiết đậm đà, để người con đất Mẹ gửi những xúc cảm đầy yêu thương vào trong sắc xuân tươi hồng cho mùa xuân thêm lung linh sắc màu.
“Anh mơ sao một ngày xuân năm ấy
Có em về cùng hát khúc dân ca”
Khúc dân ca vẫn mãi chan hòa trong chuyến tàu thời gian ấy. Và dường như nó mang tình xuân gửi vào trong gió, nhờ gió cuốn đi muôn nơi để mỗi người con đất Việt dù xa quê hay đang quây quần bên gia đình trong chiều cuối năm này đều thấy rộn ràng niềm vui khi mùa xuân về. Có lẽ vì thế nên anh giờ đây đang hướng mình vào từng ca từ của bài hát để thấy mùa xuân luôn vĩnh hằng và trường tồn mãi mãi cùng thời gian.
“Lời dân ca như dòng sông quê ta
Như hương cau hương dừa đang trổ hoa
Như đêm trăng bên đường em tát nước
Chiếc gào con múc cả trăng vàng”
Lời  dân ca còn đọng mãi trong anh cũng như buổi chiều cuối năm này vậy. Và bài hát kia dù đã khép lại rồi nhưng vẫn còn đâu đó những lời dân ca còn vang mãi để anh mơ màng như đang múc cả trăng vàng. Chiều vàng vọt những sợi nắng cuối cùng, dòng sông quê vẫn đang êm đềm xuôi mái. Nồi bánh canh mẹ nấu vẫn thơm lừng để đón mừng xuân mới. Người con xứ Nẫu vẫn đang dạo những khúc tơ lòng thả theo cơn gió chiều mát lịm để nghe thời gian đi và tận hưởng hương vị ngọt ngào của mùa xuân.
                                                                          -Vi Ánh Ngọc-