Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Rủ nhau giăng câu


Dịp cuối tuần, tôi về quê thăm ngoại. Buổi sáng, các cụ đến nhà uống nước trà với ngoại, nghe các cụ thì thầm “Năm nay coi bộ trời không mưa, đồng ít nước nhưng được cái trời phú, cá đồng lũ lượt kéo về, bà con mình có vẻ rộn rã hẳn lên”. Các cụ bàn tán năm nay đồng mình cá tràu nhiều, có người giăng câu một đêm hơn hai chục ký. Tôi nghe đến giăng câu, đến cá tràu bỗng dưng cảm thấy thích thú. Lúc nhỏ về quê, ngoại thường dẫn tôi đi giăng câu, tôi thích cái cảm giác thả mồi rồi chờ cá đớp. Vậy đó, nên tôi ngồi bên trong chăm chú lắng nghe các cụ kể chuyện giăng câu nhà nọ, nhà kia và ao ước được đi giăng câu lần nữa.
Mới 3 giờ chiều, ông Sáu Lào nhà ở bên cạnh đã đi đào trùn làm mồi. Ông quẩn quanh ở mấy nơi đất ẩm ướt, rồi lấy cuốc chỉa cào qua cào lại, mấy chú trùn loi nhoi dưới đất lên, ông lựa con nào lớn đủ cỡ làm mồi giăng câu thì lấy, con nhỏ thì thôi. Được thể, mấy chú gà có dịp no nê căng bụng bên những con trùn nhỏ còn sót lại, tiếng cục ta cục tát vang vọng đến đầu làng… Còn chú Năm Tèo cứ loay hoay bên mấy bụi dứa ven đường, lùng tìm mấy chú nhái con để tí về làm mồi giăng câu. Đám trẻ con xúm xím dõi mắt theo con nước đong đưa dưới từng bụi dứa đã bị “khai thác” hết những chú nhái con.
Tôi qua nhà bác Hai Núp thấy hai vợ chồng bác và anh con trai đang chăm chú móc mồi vào lưỡi câu. Những chú trùn cựa qua cựa lại bên những lưỡi câu đang chờ đi thả. Bác bảo “Hơn chục ngày nay, chiều nào quê mình cũng rôn rã chuyện giăng câu. Hễ chiều đến là cả làng kéo nhau đi giăng câu. Tí nữa cháu đi với bác, về quê giăng câu cũng là một thú vui đấy”. Tôi thích thú và đợi được đi giăng câu cùng gia đình bác Hai Núp.
Khi mặt trời bắt đầu loạng choạng, từng chiếc ghe bắt đầu bủa câu. Hình như nhà nào có đàn ông đều đi giăng câu, cả làng hơn ba chục nóc nhà, ấy vậy mà nhẩm thử tôi thấy cũng đã gần ba chục chiếc ghe đi bủa câu (chắc đi hết cả làng trừ nhà ông ngoại, ông ngoại tuổi cao nên không đi được). Lan man theo từng con nước, bác Hai Núp bắt đầu cắm câu và bủa câu chạy dọc các thửa ruộng, những nơi cỏ nhô lên bác lấy tay hoắt hoắt ra ngoài rồi thả câu xuống. Sau khi hết thúng câu hơn năm trăm lưỡi, bác đảo lại một vòng, xem lưỡi nào cá cắn câu hoặc hết mồi thì thay. Lượn lại một lượt, trong thùng của bác đã hơn năm mươi chú cá tràu đang bơi lượn và bắn nước tung tóe. Bác về lại nhà, tắm rửa ăn cơm rồi lát sau đem theo mùng mền ra đồng ở lại đêm để canh câu. Tối đến, trên khắp đồng nước mênh mông, từng ngọn đèn pin bật lên chói lóa… cả làng vui như hội.
Đi với bác Hai Núp tôi được thưởng đến tận năm chú cá tràu. Buổi tối hôm đó, tôi và ông bà ngoại được bữa canh chua ngon hết cỡ. Ăn đến đâu là hình như cái bụng mát đến đó (chắc tại lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức lại món cá tràu nấu canh chua của ngoại). Đêm hôm ấy tôi ngủ với ông ngoại, hai ông cháu cứ quẩn quanh những mẫu chuyện giăng câu quê mình.
Mới tờ mờ sáng từng chiếc ghe kéo vào bờ. Nhà này nhà nọ nói về chuyện giăng câu nhiều hay ít, nhưng ai cũng nở nụ cười với những “chiến lợi phẩm” cả đêm của mình. Câu chuyện giăng câu xôn xao từ đầu đến cuối làng. Văng vẳng bên chợ Quán là những tiếng cười của những bà, cô, chị trả mua với những chú cá còn giãy đành đạch trong thau.
                                                                              -Vi Ánh Ngọc-