Thầy và chị tác giả |
Chiều nay tôi và Thầy vào quán cà phê ngồi nhâm nhi từng giọt cà phê đắng.
Khói thuốc bay trắng khoảng không gian nhỏ bé nơi góc quán thân quen. Tôi nhìn
Thầy, mái đầu đã điểm sương, những sợi tóc bạc thấp thoáng sau nếp nhăn càng lộ
rõ trên khuôn mặt Thầy. Thầy nhìn tôi mỉm cười bâng quơ, rồi đưa điếu thuốc hít
thật sâu vào tận bên trong. Bất chợt Thầy thở dài với câu nói gợi buồn “đã mấy
mươi năm rồi mà sao vẫn còn đó những ký ức như mới ngày hôm qua”. Ánh mắt u
buồn ấy hiện lên như một nỗi lòng trăn trở cứ dồn nén rồi buông ra theo cơn gió
chiều bay mãi. Tôi có cảm giác dường như Thầy muốn tâm sự một điều gì đó nhưng
sao khuôn mặt suy tư ấy cứ đượm buồn theo làn khói thuốc bay.
Trời chiều đã buông xuống dần, tôi và Thầy vẫn ngồi đây, vẫn ánh mắt ấy,
vẫn một vẻ lắng đọng ấy làm lòng tôi mơ mơ trong đầu những suy nghĩ về Thầy.
Bỗng có một thanh âm hoà quyện vào làn khói mỏng manh kia, Thầy gõ tay lên bàn
và nhẩm theo lời bài hát.
“Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc
Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc
Quần nhau với giặc, áo con rách thêm
Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo”
Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc
Quần nhau với giặc, áo con rách thêm
Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo”
Có lẽ Thầy đã tìm được những cảm xúc về lại trong ký ức của mình khi nghe
những ca từ sâu lắng ấy. Thầy bắt đầu kể tôi nghe về một thời khói lửa của
chiến trường Hà Bắc. Một thời trai trẻ thầy xông pha chiến trường, sống trong
những ngày bom đạn của kẻ thù, ăn cơm nấm, ngủ đường hầm. Thầy kể tôi nghe về
tuổi thơ của mình đầy những gian truân bập bùng, ngày Thầy ra đi nhập ngũ khi
ấy thầy vừa tròn 14, một chàng trai chưa quen súng đạn nhưng vì lòng căm thù
giặc, vẫn hăng say tòng quân ra chiến trường. Và nơi ấy, chiến trường Hà Bắc
một thời Thầy đã đi qua. Ở nơi ấy có những người mẹ mà suốt đời Thầy không thể
nào quên, những người mẹ đêm đêm chong đèn ngồi vá áo cho từng chiến sĩ nơi sa
trường. Tình thương của mẹ về những chiến sĩ tựa như tình mẫu tử thiêng liêng
cao quý.
Trong đôi mắt Thầy giờ đây ẩn chứa một nỗi niềm sâu kín, tôi cảm nhận được
điều đó qua lời kể của Thầy. Giọng Thầy khàn khàn nhưng vẫn thanh tao như lời
giảng của Thầy mỗi khi đứng trên bục giảng. Thầy nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến
rồi ngước nhìn về phía cuối con đường. Nhìn chiếc lá khô rơi tôi thấy lòng mình
ngập ngừng không thốt lên thành lời, tôi muốn nói một điều gì đó với Thầy nhưng
tôi không phải ở vị trí của Thầy trong lúc này, tôi nghe tim mình có hơi thở
của sự thấm đẫm nỗi buồn man mác. Tiếng nhạc du dương cứ quanh quẩn đâu đây.
“Tấm áo ấy bấy lâu nay con quí hơn cơm gạo
Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương
Các con ra đi đã mấy chiến trường
Mang theo cả tình thương của mẹ”
Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương
Các con ra đi đã mấy chiến trường
Mang theo cả tình thương của mẹ”
Tấm áo ấy! Thầy nhắc đến tấm áo ấy. Giọng Thầy càng lúc càng nghẹn ngào như
ngập ngừng rồi đứt quãng không nói lên thành lời. Như thoảng đâu đây có bóng
dáng người mẹ năm xưa hiện về, người mẹ ấy đang che chở đàn con vượt qua mưa
bom bão đạn, chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ quê hương. Có tấm áo rách vai mẹ
vá cho người chiến sĩ trước lúc ra trận, giờ đây tấm áo ấy vẫn còn nguyên hình
hài mà mẹ đã đi xa vĩnh viễn, mẹ đã về với lòng đất Mẹ bao la ngọt lịm kia. Bùi
ngùi hoài niệm về quá khứ, lòng thầy giờ đây lan man cô quạnh như ánh mặt trời
khuất phía sau núi trong chiều hoàng hôn, để lại phía sau một ngày tàn rồi
loang loáng đi vào đêm trong sự nuối tiếc xa xăm.
Không gian chiều đã buồn, lòng người và cảnh vật nơi đây càng làm cho khung
cảnh ấy càng buồn hơn. Chưa bao giờ tôi thấy trên khuôn mặt Thầy lại hiện lên
nỗi buồn như thế. Nỗi buồn đã xâm chiếm không gian nơi đây từ lúc nào và lan
toả ra xa dần, ra khoảng không gian bao la vô tận. Tôi nhìn mọi vật xung quanh
cũng đang mang hình hài của cái buồn, nhìn lên cao thấy những làn mây u ám đang
bao trùm lên cái nền trời đen sầm kia. Rồi những cơn mưa vô tình đổ xuống, mưa
rì rào, mưa từng giọt, mưa thẩm thấu lòng người đến tận cõi sâu trong tâm hồn
lắng đọng của người Thầy đang miên man nhìn về quá khứ một thời đã đi qua. Ở
đó, có hình ảnh người mẹ luôn dõi theo mỗi bước chân Thầy đi, là ngọn đèn soi
sáng thầy trong những đêm tối bơ vơ. Và ngoài kia, mưa vẫn rơi, rơi theo những
ca từ bên mái tóc người chiến sĩ đã điểm từng hạt sương sa.
“Lạ kì thay con đi như thế
Bỗng khi nào chợt nhớ hậu phương
Vì đường đang xa mà đôi chân thêm khỏe
Trái tim này rực cháy yêu thương”
Bỗng khi nào chợt nhớ hậu phương
Vì đường đang xa mà đôi chân thêm khỏe
Trái tim này rực cháy yêu thương”
Một ngọn lửa đang nhem nhóm trong tâm hồn Thầy. Thầy nhìn tôi đầy vẻ trìu
mến, những làn khói thuốc cuối cũng vẫn bay như thả tâm hồn Thầy bay theo mây
trời, để tìm lại một ngày bình yên, vơi đi nỗi buồn và chôn chặt vào tận sâu
thẳm con tim đang tìm lại cảm giác bình yên. Giọt cà phê cuối cùng vẫn thơm
nồng hương vị pha lẫn cái đắng của nó nhưng bỗng có cảm giác ngọt ngào trong
giọng nói của Thầy. Thầy đã tìm lại nguồn vui sau một buổi chiều buồn bên li cà
phê đắng cùng cậu học trò lơ ngơ về hình ảnh người mẹ còn đang dang dở trong
mỗi suy tư của Thầy. Mưa ngừng rơi, ngày đã đi vào đêm tối. Hai con người, mà
không hai thầy trò đang lang thang dạo bước vào đêm mà nghe tim mình rực cháy
những yêu thương.
-Vi Ánh Ngọc-