Đất trời đã khép cái lạnh đê mê của mùa
đông và nhường chỗ cho mùa xuân tươi thắm khoe áo mới. Những cành lá non tơ
đang đâm chồi nảy lộc, những mầm xanh của sự sống đang độ dâng tràn, dâng hương
tỏa sắc. Những cánh hoa xuân đua nở khắp nơi, hát khúc mừng xuân, hòa quyện vào
sự giao thoa của đất trời cùng đón nắng xuân phơi phới. Mùa xuân đã về nhưng có
những người con xa quê không về đoàn tụ bên gia đình bên người thân. Họ mang
những nỗi buồn man mác của tình xuân. Dường như sắc xuân thấu hiểu được điều đó
và miên man lan tỏa nỗi buồn thầm kín của họ về chốn quê nhà.
Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã vẽ nên “Mùa xuân
của mẹ” để nói lên nỗi lòng của người con nơi chiến trường, mang trong lòng
những nỗi ưu tư của riêng mình. Có lẽ ai cũng hiểu được điều đó và hôm nay khi
sắc xuân đang nở, cũng có những người con đang phiêu bạt nơi xa trong sự trống
vắng thiếu hơi ấm mùa xuân của mẹ, họ mang những nỗi niềm của riêng mình.
“Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh”
Mai vàng đã nở khắp nơi, xuân đã về trên
khắp đất trời. Nhưng người con xa xứ vẫn còn lênh đênh với cuộc sống mưu sinh
của mình. Nỗi buồn của họ chỉ có mẹ mới hiểu và cảm thông cho điều ấy. Không
phải họ không muốn về bên gia đình để cùng mẹ đón mùa xuân nhưng hoàn cảnh
không cho phép họ vui xuân bên gia đình. Đó là điều mà nhiều người con xa xứ cứ
ray rắt trong lòng mỗi khi làm ăn xa không về bên mái ấm gia đình. Không ai
trách họ cả, mỗi người mỗi cảnh, ai cũng có những hoàn cảnh khác nhau, nỗi niềm
chông chênh của họ xin gửi vào cơn gió chiều quạnh hiu của mùa xuân man mác
buồn. Họ nghĩ về mẹ, thương lắm mái tóc điểm sương sa theo dòng thời gian.
“Giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều
Sớm chiều vườn rau vườn cà
Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai?”
Thương mẹ già tóc bạc nhiều, thương những
sớm những chiều mình mẹ lặng thầm nơi vườn rau vườn cà. Người con ấy vừa thương
mẹ vừa có ý hờn trách chính mình, sao không về bên mẹ những sớm hôm để đỡ đần
cho mẹ. Ai trong đời cũng có mẹ, tình mẹ luôn là tình cảm cao đẹp nhất của con
người, chỉ có tình mẫu tử mới thấu hiểu hết được lòng con. Giờ đây khi nhìn
chiều buông lòng con mang những nỗi buồn miên man. Mẹ nơi quê nhà xin hiểu và
tha thứ cho con. Rồi một ngày con sẽ về bên mẹ và những cánh hoa xuân sẽ dạt
dào thơm ngát mừng đón mùa xuân của mẹ.
Trong không gian tĩnh lặng của chiều, người
con xa quê cảm thấy mình lạc lõng giữa đất trời vào xuân, thấy mình thật trống
vắng, mùa xuân dường như muốn hờn trách kẻ tha hương.
“Thoáng mùi mai nở đâu đây
Nghe lòng lạc loài chơi vơi”
Vẫn đậm đà hương sắc, mùa xuân đang nở hoa.
Những cánh hoa tươi thắm đang lung linh khoe sắc nhưng tâm trạng người xa quê thì
sao? Họ cảm thấy mình lạc lõng chơi vơi, vô định giữa trời chiều, mang trong
mình những nỗi buồn không nói thành lời. Chính vì vậy mùa xuân trong họ thiếu
đi thứ tình cảm thiêng liêng của cuộc đời.
Mùa xuân này họ đón xuân nơi đất khách quê
người nhưng lòng họ vẫn hướng về quê nhà, nơi ấy có người mẹ hiền vẫn ngày đêm
thương nhớ con. Họ tin rằng một ngày không xa họ sẽ về bên mẹ và khi ấy chỉ bên
mẹ là mùa xuân thôi.
“Dù cho én từng bầy bay về ngàn
Dẫu gì rồi con cũng về
Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”
Những ca từ cuối của bài hát, nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân
đã nói hộ lòng người con xa quê, rằng họ sẽ trở về dù cho xuân đã đi qua, én có
bay từng bầy, dù gì đi nữa họ cũng sẽ trở về và khi ấy chỉ có bên mẹ, họ mới
thấy mùa xuân thật sự. Xuân sẽ mãi mãi không tàn và những cánh hoa xuân sẽ mãi
đua nở. Mùa xuân sẽ đến và mỉm cười cùng đất trời, cùng mẹ và cùng con trong
một sớm mai con trở về bên mẹ.
-Vi Ánh Ngọc-